Trong những năm qua, tâm lý của lớp trẻ lại muốn gặt hái được thành công, có được danh lợi bằng những con đường nhanh nhất, không tốn nhiều công sức hay tiền bạc vẫn có thể đạt được mục đích làm giàu cho bản thân hoặc có được danh tiếng để “lòe” thiên hạ, hiện tượng này gọi là “ăn xổi ở thì”. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về Ăn xổi ở thì là gì? Vì sao nhiều người Việt có thói hư tật xấu này? Top Kiến Thức sẽ giải đáp qua phần nội dung dưới đây của bài viết.
Ăn xổi ở thì là gì?
“Ăn xổi ở thì” là một thành ngữ ám chỉ cách sống chỉ tính đến chuyện tạm bợ trước mắt mà không tính chuyện lâu dài, không đong đếm thiệt hơn, nặng hơn thì là kiểu sống hoặc hành xử chộp giựt, rút ngắn quá trình. Người ta dùng thành ngữ này với hàm ý chê bai, lên án lối sống chỉ biết cái lợi trước mắt mà quên cái hại sau lưng.
Trong Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học – NXB Đà Nẵng, 2020, “Xổi” có nghĩa là “tạm trong một thời gian ngắn”. “Ăn xổi” là một cách ăn ngay một món gì đó. Nên nhớ rằng, các món ăn thường phải trải qua một quy trình chế biến nhất định thì mới đảm báo chất lượng, nhưng vì một lý do nào đó mà người ta mới cắt giảm công đoạn đó.
“Ở thì” tức là ở trong một khoảng thời gian nhất định, có giới hạn trong chu trình phát triển chung. Mỗi người trong chúng ta cần phải biết rằng, bất cứ sự vật, hiện tượng nào muốn phát triển hoàn hảo, trọn vẹn tất phải tuân thủ một quy trình bắt buộc nào đó, tuần tự trước sau.
Vì sao nhiều người Việt có thói hư tật xấu này?
Dù thành ngữ “Ăn xổi ở thì” mang ý nghĩa tiêu cực là vậy, nhưng khi nhìn vào tổng thể đời sống hiện nay của đại đa số người Việt, lối sống chỉ biết nghĩ đến cái lợi trước mắt này là một hiện tượng rất phổ biến và đã trở thành một căn bệnh trầm kha, nguy hiểm của xã hội.
Đầu tiên và dễ thấy nhất chính là “giàu xổi”, đó là hiện tượng nhiều người muốn giàu lên không cần phải lao động vất vả, vận dụng trí tuệ, năng lực của mình mà lại làm ăn bất chính, buôn gian bán lận, đầu cơ trục lợi để kiếm lời bất chấp việc ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe và sinh mạng của người khác.
Tiếp theo là “quyền lực xổi”. Một số quan chức, cán bộ không có năng lực, đạo đức mà lại tận dụng cơ hội để làm vui lòng cấp trên hay người có danh tiếng như nói những lời ngon tiếng ngọt, nịnh hót, bợ đít. Thậm chí là còn ra sức dụ dỗ, mua chuộc bằng những món quà có giá trị lớn như tiền bạc hay vật chất. Đây cũng là cách “ăn xổi ở thì” được người trẻ Việt Nam tận dụng để nhanh chóng tiến thân vào con đường danh lợi và tiền bạc nhanh nhất, họ không cần phải vận dụng trí óc hay lao động cực khổ để gặt hái thành công như những người thành đạt phải trải qua biết bao nhiêu gian khổ.
Trong thời đại công nghệ phát triển tiên tiến 4.0 như hiện nay, mạng xã hội cũng đã lên ngôi, nhiều người lợi dụng sức lan truyền từ mạng xã hội để tạo ra “uy tín xổi” bằng những phát ngôn gây sốc để thu hút công chúng dù lời phát ngôn đó không rõ đúng sai, thực hư ra sao. Khi được truyền thông chú ý đến, họ tự cho mình là một “ngôi sao truyền thông” nhờ biết nói đúng thời điểm, đánh trúng tâm lý tò mò của đám đông và báo chí truyền thông cũng “bắt trend” để câu like, câu view. Đây là cách nhiều người trẻ ở Việt Nam đang làm để “lòe” thiên hạ nhưng không ít người trong số họ đang ngộ nhận, ảo tưởng sức mạnh về bản thân.
Với một số bộ phận không nhỏ người Việt học hành không đến nơi đến chốn, trình độ có hạn nhưng do có một số cơ quan, đơn vị đòi hỏi phải có bằng cấp để có thể tiến thân vào công việc đó nên nhiều người đã phải “học xổi”. Cách học này thực chất cũng chỉ là đi học để cho có với người ta, dù có bằng cấp “thật” nhưng do thiếu kiến thức trầm trọng vì thái độ học không đến nơi đến chốn nên cũng khó có thể làm được việc sao cho hiệu quả.
Kết luận
Trong thời buổi hiện đại ngày nay, không ít người Việt vẫn sống với tâm lý theo kiểu “đốt cháy giai đoạn” và xem trọng đồng tiền, danh vọng hơn kiến thức và tri thức. Vẫn đâu đó tồn tại những “đại gia” nhờ vào việc buôn bán bất động sản khi chỉ cần bán vài mảnh đất là nhanh giàu mà không nghĩ đến cuộc sống tương lai sẽ ra sao. Thậm chí họ còn không chịu học hành đến nơi đến chốn, bằng tốt nghiệp PTTH còn chưa với tới được nhưng họ vẫn có thể được khen ngợi khi nhìn vào cái người đời đang thấy trước mắt.
Cũng có một số người khi vốn kiến thức và đạo đức chưa được trang bị đầy đủ nhưng vẫn thích “lòe” thiên hạ bằng những lời nói nịnh hót ngon ngọt, hình ảnh “sống ảo” để cấp trên hay người có danh tiếng thấy rằng mình tài giỏi hoặc có quan hệ để dễ dàng thăng tiến hơn trong cuộc sống.
Tóm lại, tâm lý “ăn xổi ở thì” chẳng qua cũng chỉ xuất phát từ lòng hám lợi và ý thức còn kém cỏi ở đại đa số người Việt. Nếu muốn thay đổi được ý thức này thì có lẽ cần phải có sự vào cuộc dài hạn của xã hội, đặc biệt là ngành giáo dục. Bên cạnh đó, việc thay đổi nhận thức, tư duy và nâng cao dân trí từ gốc rễ cũng là một liệu pháp dài hạn để hạn chế những tác hại về mặt lâu dài. Nếu không thì cả xã hội cũng sẽ phải trả giá trước những hậu quả khôn lường về sau.
Với Top Kiến Thức, để trở thành một người thành đạt đúng nghĩa, gặt hái nhiều thành công mà không phải hổ thẹn với bản thân, bạn phải là một người thật sự có tài năng, đức độ, hoàn thành trách nhiệm với công việc, luôn trung thực, biết sống vì cộng đồng và đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân.
Như vậy bạn đã hiểu rõ ý nghĩa của câu thành ngữ “ăn xổi ở thì” là gì rồi đúng không nào? Top Kiến Thức sẽ cung cấp thêm những thông tin bổ ích, ngắn gọn để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn. Nếu thấy bài viết hay và bổ ích, hãy CLICK VÀO ĐÂY để ủng hộ tôi bằng một ly cà phê nhé!
Trả lời