Ngày nay, chúng ta bắt gặp rất nhiều bình luận viên (BLV) bóng đá từ những BLV nhà đài chính thống cho đến BLV phong trào (phủi) và BLV online. Thế nhưng liệu nghề BLV bóng đá ngày nay có đang quá dễ dãi, có phải ai muốn làm cũng đều được? Hãy cùng Top Kiến Thức tìm hiểu về vấn đề này qua nội dung sau đây của bài viết.
Như thế nào mới được gọi là bình luận viên?
BLV bóng đá nói riêng hay BLV thể thao nói chung là những người đưa ra những lời bình luận theo thời gian thực về một trận đấu hoặc sự kiện nào đó, thường là phát sóng trực tiếp. Họ cũng là những người đưa ra những nhận xét, phân tích, cung cấp thông tin giúp người xem hiểu rõ hơn về diễn biến trận đấu.
Công việc của BLV bóng đá không hề dễ dàng chút nào vì để có thể truyền lửa được cho rất đông khán giả thì cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt thông tin. Không chỉ sở hữu chất giọng truyền cảm, nhiệt huyết, họ cần phải có sự linh hoạt trong mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Ngoài ra, BLV bóng đá sẽ phải đặt mình vào tâm thế của một người trung lập, không thiên vị bất kỳ ai dù yêu hay ghét cầu thủ hay đội bóng nào đó.
BLV cần phải có tố chất như cần phải thể hiện hết niềm đam mê của mình, có cá tính riêng với những quan điểm, chính kiến riêng rõ ràng không mập mờ, cùng với đó những BLV cũng cần phải sở hữu nền tảng kiến thức vững về bóng đá cũng như sức khỏe tốt. Đây cũng là một nghề mà BLV bóng đá nói riêng hay thể thao nói chung cần phải chấp nhận hy sinh cả thời gian, sức khỏe mới hoàn thành tốt công việc của mình.
BLV bóng đá thời kỳ đỉnh cao
Cách đây vài thập kỷ, nước ta từng có những BLV bóng đá vô cùng xuất sắc trên sóng truyền hình và đài phát thanh. Không chỉ là những người có trình độ và kiến thức chuyên sâu, họ còn là những người rất giàu đam mê và tâm huyết với nghề.
Vào những năm thập niên 70 thế kỷ trước, những BLV trong giai đoạn này nổi danh như Trần Tiến Ðức, Tôn Thành Cang, Huy Quân, Ðình Khải,… trên sóng đài phát thanh và truyền hình trắng đen. Lúc bấy giờ, vẫn chưa có nhiều thông tin và những BLV thời kỳ ấy trải qua nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu về thông tin cầu thủ, đội bóng cũng như diễn biến trên sân. Họ thật sự là những người có kiến thức uyên bác và gần như không khác gì “từ điển” sống về môn thể thao vua.
Chất giọng truyền cảm của những BLV thời kỳ đó cũng thu hút những khán giả xem đài truyền hình cũng như đài phát thanh. Lúc đó, những chiếc tivi trắng đen cũ kỹ và những chiếc máy cassette trở thành những thiết bị không thể thiếu với cổ động viên bóng đá. Đấy cũng là thời kỳ mà niềm đam mê với trái bóng tròn lại vô cùng rực cháy khi đất nước vẫn đang trong thời kỳ mà hai miền vẫn còn bị chia cắt vừa mới thống nhất đất nước sau năm 1975.
Đến thập niên 90 và đầu những năm 2000, thế hệ BLV kiệt xuất tiếp theo cũng khiến khán giả phải nhắc đến tên mỗi khi nói về bóng đá như BLV Quang Huy, Quang Tùng, Trương Anh Ngọc,… Đây chính là giai đoạn mà bình luận bóng đá mang đến âm hưởng toàn cầu hóa mới bởi họ cũng sở hữu nền tảng kiến thức uyên bác, rất am hiểu không chỉ bóng đá mà còn là nền văn hóa của nhiều nơi trên thế giới.
Cơ hội dành cho những người có đam mê thực thụ
Sau thời kỳ hưng thịnh của nghề bình luận vào những năm thập niên 2000 thì đến những năm thập niên 2010, đội ngũ BLV kế cận cũng dần cất lên những tiếng nói của mình trên sóng truyền hình. Trong giai đoạn đài truyền hình K+ vừa tổ chức cuộc thi “Người truyền lửa” để tuyển chọn đội ngũ BLV làm việc cho đài, thu hút rất nhiều bạn trẻ thời điểm đó đăng ký dự tuyển. Cuộc thi này cũng mang đến cơ hội cho những người có đam mê thực thụ trở thành những BLV chuyên nghiệp.
Cùng với đó, các đài truyền hình, đơn vị truyền thông cũng dần có nhu cầu tuyển dụng đội ngũ BLV làm việc dưới dạng chính thức hay cộng tác viên. Điều này cũng khiến nhu cầu trở thành BLV thể thao của một bộ phận cổ động viên ngày càng lớn.
Hiện nay, dù vẫn chưa có ngành đào tạo chính thức cho nghề BLV chuyên nghiệp, nhưng những khóa học đào tạo BLV ngắn hạn được mở ra nhằm tạo cơ hội để họ có thể làm nghề trong tương lai. Nếu bạn đọc thật sự quan tâm đến những khóa học BLV thì hãy tìm kiếm trên các nguồn đáng tin cậy từ internet.
Nghề BLV bóng đá ngày nay có đang quá “dễ dãi”?
Làn sóng chỉ trích từ người hâm mộ với BLV nhà đài
Trong những năm mạng xã hội bắt đầu có tác động lớn đến cuộc sống con người, nhiều cổ động viên bóng đá hoàn toàn có thể tự đưa ra những quan điểm cá nhân, nhưng lại không biết gì về văn hóa tranh luận, phản biện mà lại đưa ra những lời bình luận rất thiếu tính khách quan, ngây ngô, thiếu hiểu biết về nghề bình luận.
Sau thế hệ BLV bước ra “ánh sáng” từ cuộc thi “Người truyền lửa”, những BLV mới cũng đã cất giọng trên sóng truyền hình nhưng lại khiến cổ động viên bóng đá gặp phải sự khó chịu từ việc phải nghe những lời bình luận thiếu tính chuyên môn, khách quan, không am hiểu về luật. Dư luận bóng đá nước nhà tỏ ra không hài lòng khi theo dõi các trận đấu trực tiếp trên sóng truyền hình.
Các đơn vị truyền thông ở Việt Nam chỉ xem bóng đá hay thể thao là lĩnh vực giải trí “vô thưởng, vô phạt”, không đòi hỏi những người có kiến thức chuyên môn vào làm việc. Các đơn vị thường tuyển những người dẫn chương trình, biên tập viên truyền hình để làm BLV bóng đá mà không tuyển những người có am hiểu bóng đá thật sự. Ngoài ra, nếu muốn vào làm việc ở đài truyền hình thì cũng cần phải đòi hỏi đầu vào có bằng cấp (tối thiểu là hệ Cao đẳng). Cùng với đó, các đài truyền hình cũng tận dụng đội ngũ nhân sự sẵn có để lấp đầy vị trí BLV, dẫn đến tình trạng BLV truyền hình hiện nay không đủ kiến thức chuyên môn để truyền tải thông tin đến khán giả bằng nguồn năng lượng nhiệt huyết, máu lửa được.
Do con đường trở thành BLV nhà đài không phải là điều dễ dàng, không phải ai cũng muốn ứng tuyển là có thể vào làm việc. Cho nên một đội ngũ BLV khác như BLV online hay BLV phủi cũng thật sự rất nhiều. Với BLV online, họ làm việc cho những trang web lậu và các đơn vị này sẵn sàng nhận quảng cáo từ những trang c.á đ.ộ. Về tính chuyên môn, BLV online dù đã có những nỗ lực cải thiện và hoàn thiện bản thân hơn nhưng không đồng nghĩa với việc họ hay hơn hẳn so với BLV chính thống có thể “danh chính ngôn thuận”.
Còn về BLV phủi, hiện nay có rất nhiều BLV phủi được vào làm việc không yêu cầu đầu vào về bằng cấp cũng như trình độ học vấn. Điều này cũng gây ra không ít tranh cãi khi không ít BLV phủi đưa ra những câu bình luận một cách “vô thưởng vô phạt”, ngây ngô, không sử dụng ngôn từ phù hợp với diễn biến trên sân. Thậm chí, ngôn từ mang tính “chợ búa” cũng được những BLV đó thốt lên ngay trên sóng trực tiếp.
Cạnh tranh khốc liệt, nhiều chiêu trò triệt hạ đối thủ của bộ phận BLV khác
Việc nhiều đơn vị truyền thông tự phát mọc ra như nấm sẽ khiến chất lượng của BLV ngày càng “loãng”. Cùng với đó, môi trường cạnh tranh của bóng đá phủi còn “khốc liệt” hơn cả BLV chính thống và nhà đài khiến không ít chủ kênh hay chính BLV đó phải dùng những mánh khóe, chiêu trò “bẩn” để triệt hạ đối thủ.
Sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều chiêu trò cũng dẫn đến một tiền lệ xấu khi nhiều BLV hay các đơn vị truyền thông sẽ không quá tập trung, chú trọng vào việc phát triển và hoàn thiện kỹ năng. Thay vì đó, các đơn vị có thể sẽ “dìm hàng” đối thủ bằng cách “đi đêm” với các bầu của đội bóng hoặc chính họ âm thầm… lập một kênh truyền thông mới.
Điều đáng buồn là thay vì cạnh tranh công bằng, sòng phẳng thì họ lại tìm đủ mọi cách để đạp đổ chén cơm của người khác. Cùng với đó chất lượng BLV hoặc hình ảnh trên sóng trực tiếp cũng không được nâng cao và vẫn cứ mãi chìm trong sự “ám ảnh” về đối thủ cạnh tranh trực tiếp (hoặc gián tiếp).
Kết luận
Với góc nhìn vừa rồi, admin của Top Kiến Thức cũng có thể đưa ra một kết luận rằng nghề BLV bóng đá ngày nay có thể dễ dãi nhưng ở với một mức độ nào đó. Nhưng cũng có phần dễ hiểu khi nhu cầu tuyển dụng BLV bóng đá ngày càng nhiều hơn bởi sự phát triển của môi trường mạng xã hội trong thời đại ngày nay.
Cùng với đó, rất nhiều đơn vị truyền thông cũng như BLV không còn làm việc đúng với cái chất đam mê, máu lửa như những BLV kỳ cựu được khán giả yêu mến trước đây. Họ sẵn sàng vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả để khiến đối thủ phải sống vật vờ, thậm chí có thể đối mặt với nguy cơ phá sản, giải thể.
Vừa rồi Top Kiến Thức đưa ra những góc nhìn về nghề BLV bóng đá ngày nay. Đây là bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của người viết, vì vậy bạn đọc cũng có thể đưa ra những ý kiến của mình một cách văn minh, mang tính đóng góp xây dựng để admin tiếp thu. Tác giả bài viết cũng mong rằng nghề BLV bóng đá sẽ được coi trọng hơn trong xã hội.
Nếu bạn đọc thấy bài viết hay và bổ ích, hãy CLICK VÀO ĐÂY để ủng hộ tôi bằng một ly cà phê nhé!
Trả lời