Bóng đá được xem là môn thể thao “vua” và cũng thu hút nhiều khán giả. Nhưng cũng có không ít người hoài nghi về niềm đam mê thật sự có đúng với những số liệu thống kê được đưa ra ở những giải bóng đá lớn trên thế giới. Hãy cùng Top Kiến Thức tìm hiểu xem người Việt liệu có thật sự đam mê với bóng đá? qua nội dung sau đây của bài viết.
Thống kê về tình yêu bóng đá của người Việt
Vào tháng 11/2022, theo số liệu thống kê của công ty Nielsen, Việt Nam là quốc gia có người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt nhất châu Á với tỷ lệ lên đến 75% dân số. Xếp ngay sau Việt Nam là Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) với 70% và Indonesia đứng thứ 3 với 69%.
Nguyên nhân khiến tỷ lệ người hâm mộ bóng đá ngày càng tăng lên tại Việt Nam chính là thành tích ấn tượng của đội tuyển Việt Nam tại đấu trường quốc tế trong thời gian HLV Park Hang-seo dẫn dắt đội tuyển quốc gia và U23 (từ năm 2018 đến 2023). Thật bất ngờ khi những quốc gia được xem là cường quốc bóng đá châu Á như Nhật Bản (28%), Hàn Quốc (50%) hay Iran (không được thống kê) lại có tỷ lệ người yêu bóng đá khá thấp.
Trong mỗi trận đấu của đội tuyển quốc gia hay U23 Việt Nam thi đấu, bất kể ai dù là nam hay nữ, từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi, không phân biệt tầng lớp hay giai cấp, họ đều dõi theo từng bước chân của các tuyển thủ. Tùy vào tính chất quan trọng của trận đấu, dòng người đổ ra đường chật kín với sắc ảo cờ đỏ sao vàng cùng miếng dán sticker lá cờ Tổ quốc lên áo, lên mặt trong niềm hân hoan.
Vì sao bóng đá thu hút người Việt?
Mặc dù bóng đá không phải là môn thể thao truyền thống của dân tộc nhưng nó đã mang lại sức hút khó cưỡng bởi những pha xử lý bóng điệu nghệ trên sân cỏ, bầu không khí sôi động trên khán đài. Đặc biệt hơn cả chính là cảm xúc, thể hiện tình yêu nước với khát vọng đất nước giàu mạnh và có thể sánh vai với cường quốc 5 châu.
Ngoài ra, bóng đá cũng là một môn thể thao không tốn quá nhiều tiền để theo dõi một trận đấu. Có rất nhiều cách để có thể theo dõi một trận bóng đá khi bạn có thể đến sân vận động theo dõi, hoặc cũng có thể ngồi nhà xem tivi tận hưởng và sát cánh với đội bóng mình yêu.
Yếu tố cảm xúc cũng rất được đề cao và đó cũng được xem là một trong những lý do vì sao bóng đá được xem là môn thể thao “vua”. Sự kịch tính và bùng nổ của môn bóng đá đến từ việc mỗi trận đấu có rất ít điểm số (cụ thể là bàn thắng), mỗi khi ghi bàn thì cảm xúc thăng hoa và vỡ òa sẽ tăng lên. Bóng đá là một môn thể thao với điểm số ghi được không quá cao như những môn thể thao đối kháng khác như bóng bàn, cầu lông, tennis,….
Một điều quan trọng khiến 100 triệu người Việt ai cũng đều xem bóng đá cũng chính là lòng tự tôn dân tộc, hình ảnh của bộ môn này cũng gắn liền với lá cờ đỏ sao vàng bởi đó chính là biểu tượng quốc gia. Cùng với đó, người Việt cũng thể hiện niềm khát khao với chiến thắng trước những quốc gia khác thông qua đội tuyển bóng đá bởi từ trước đến nay dân tộc ta phải sống trong cảnh ngàn năm đô hộ từ giặc ngoại xâm. Dân tộc ta đã quá quen với cảnh phải chống đỡ khi phải đối đầu với các cường quốc trong những cuộc chiến giành lấy quyền độc lập, tự do và hạnh phúc.
Dù có am hiểu về bóng đá hay không, thì bất kỳ người nào cũng đều có cảm giác hưng phấn mỗi khi giành được chiến thắng. Trong sách giáo khoa Lịch sử, những chiến tích của dân tộc ta giành được trước những cường quốc mạnh được đề cập rất nhiều. Vì thế càng làm trỗi dậy cảm xúc và khát khao giành chiến thắng trong mỗi người dân.
Người Việt chỉ yêu bóng đá theo xu hướng, phong trào?
Trong thời đại công nghệ số phát triển nhanh chóng và đã dần trở thành món ăn tinh thần của con người, nhiều thông tin được truyền tải thông qua mạng xã hội cũng là điều mà bất kỳ ai cũng đều tìm đọc đến. Ngay cả khi bạn đọc lướt hay tỏ ra không quá quan tâm thì những thông tin đó cũng sẽ vô tình đập vào mắt của người dùng mạng xã hội.
Ngay khi đội tuyển Việt Nam vừa giành được ngôi á quân giải U23 châu Á 2018 tại Thường Châu, Trung Quốc. Ai nấy cũng đều chia sẻ niềm vui, cảm xúc thông qua việc đăng bài lên mạng xã hội. Nếu xét về mặt tích cực thì đây là tinh thần rất xứng đáng được lan tỏa.
Cũng có không ít người vốn dĩ không hề am hiểu gì về bóng đá, thậm chí họ còn xem bóng đá chỉ là một trò chơi dành cho “trẻ con”. Thế nhưng ngay sau khi chứng kiến chiến tích của đội tuyển bóng đá nước nhà lại tỏ vẻ như họ hóa thân thành những “chuyên gia” về bóng đá. Đây là một trong những minh chứng rõ ràng về thói “tiêu chuẩn kép” của đại đa số người xem bóng đá thuộc dạng phong trào, không có niềm đam mê thật sự.
Từ ý kiến của những người trong nghề báo chí, thể thao
Trong một bài báo được đăng tải trên trang Công An Nhân Dân vào năm 2017, câu hỏi “Người Việt Nam có yêu bóng đá không?” cũng đã có lời giải đáp thông qua 3 nhà báo thể thao có nhiều năm tìm hiểu và quan sát về nền bóng đá Việt Nam cũng như thế giới. Các bạn có thể xem chi tiết hơn về nội dung bài viết này qua link: https://cand.com.vn/giai-tri-the-thao/nguoi-viet-nam-co-yeu-bong-da-khong-i427610/. Còn đây, người viết bài này sẽ chỉ tóm gọn lại ý kiến từ những người trong cuộc.
Nhà báo A.N. cho rằng tình yêu bóng đá của người Việt là có. Tuy nhiên không hẳn là cuồng nhiệt như nhiều người đã lầm tưởng. Anh cho rằng họ chỉ yêu bản thân hơn bóng đá nói chung và đội bóng họ cổ vũ nói riêng. Họ chỉ mượn bóng đá là cái cớ để có nhiều bạn bè, mối quan hệ, cũng thiếu đi cá tính và bản lĩnh. Cùng với đó, đại đa số người Việt xem bóng đá cũng thiếu đi kĩ năng tranh luận cũng như ý thức tôn trọng quan điểm của người khác khiến nhiều cuộc tranh luận trên mạng xã hội chẳng khác gì màn đấu khẩu giữa các nhóm.
Còn một nhà báo khác có tên T.T. cho biết những người đam mê bóng đá thật sự là chính những cầu thủ, HLV, cũng có thể là những đồng nghiệp và xem họ là những cổ động viên sống mãi theo thời gian. Ở khía cạnh là ông chủ đội bóng, cá nhân anh không đủ trải nghiệm để đánh giá về tình yêu bóng đá thật sự của họ. Nhà báo T. còn cho rằng nhiều người Việt chưa thật sự yêu bóng đá mà mới chỉ dừng lại ở mức độ thích thôi. Nên khi không còn thích nữa thì đâm ra chán là bỏ, không đến xem và quay lưng với đội bóng.
Một ý kiến khác của nhà báo tên Đ. cũng đưa ra một lời nhận xét rất thẳng thắn rằng “Người Việt Nam không yêu bóng đá”. Anh đưa ra dẫn chứng cụ thể khi đội nhà thi đấu hay trong một thời điểm nào đó sẽ thu hút nhiều người đến xem, đặc biệt là phụ nữ đến sân bóng chỉ “xem” bóng đá vì người thân của họ. Họ đến sân hoặc xem bóng đá qua màn ảnh nhỏ thường xuyên đưa ra những lời bình luận vô thưởng vô phạt như “Trọng tài ngu thế!”, “Thằng này chuyên ăn vạ”,… không chỉ một mà là một dàn người xem bóng đá vì phong trào, sự hiếu kỳ, hay đơn giản là… người thân của họ cũng xem bóng đá.
Khi đội tuyển Việt Nam thi đấu thăng hoa, khán giả đón xem rất đông nhưng khi có đôi chút khó khăn thì nhiều người đã quay lưng, tỏ ra không còn mặn mà với bóng đá nước nhà. Bên cạnh đó, anh Đ. cũng nói rằng để yêu bóng đá thật sự và bền bỉ thì cần phải có sự hiểu biết. Bản thân anh Đ. cũng lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi bắt gặp một dòng bình luận chửi rủa thậm tệ từ một người xem bóng đá tự xưng là fan đội M. Người này bảo: “Tại sao mày dám bảo đội của tao chưa bao giờ lọt vào tốp 3”. Anh Đ. hỏi: “Anh nghe thông tin này từ đâu?”. Người xem trả lời: “Tao thấy thông tin này từ trên mạng nói thế. Mày đã nói thế trên truyền hình làm sao cãi được!”.
Thật ra, câu mà anh Đ. từng nói là “Năm nay đội M. khó vào tốp 3” nhưng bằng một điều thần kỳ nào đó từ “khó” mà lại được phóng đại thành “chưa bao giờ”. Để rồi từ “chưa bao giờ” đó lại được lan truyền trên internet với tốc độ khủng khiếp. Điều đó khiến rất nhiều người, thậm chí là một cổ động viên yêu bóng đá thật sự còn phải tin sái cổ chứ chưa kể đến những người yêu bóng đá phong trào. Nếu một cổ động viên tìm hiểu thông tin liên quan đến “tình yêu” đó thì họ sẽ tìm hiểu cặn kẽ, không qua loa rồi “lên cơn” theo cách này. Qua câu chuyện của anh Đ., người Việt thật sự không hề yêu bóng đá như chúng ta lầm tưởng.
Cho đến trải nghiệm của người viết
Không chỉ những ý kiến liên quan đến văn hóa phản biện, ứng xử trên không gian mạng được nêu trên. Cá nhân người viết bài này cũng có cùng chung quan điểm với những người đã được tham khảo ý kiến. Không chỉ là về mặt tâm lý, văn hóa cũng như cả xã hội Việt Nam, một số người cũng dùng bóng đá là yếu tố để thực hiện những mục đích trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm.
Nếu thật sự là người có niềm đam mê cháy bỏng, mãnh liệt với bóng đá thì họ chẳng hề bận tâm đến việc xem bóng đá khiến họ phải tiêu tốn hết bao nhiêu tiền. Hoặc ngay cả những người hoạt động liên quan đến dịch vụ, điều đầu tiên họ nghĩ đến chính là doanh thu, số lượng đơn hàng nhập về, thu nhập như thế nào.
Có thể họ không quá chú trọng về việc đầu tư cho tình yêu bóng đá, hay tiếp thu kiến thức mà điều họ quan tâm đầu tiên chính là sản phẩm phải bán được, bán chạy rồi mới tính tiếp. Đối với họ, nếu chỉ sống với đam mê mà không quan trọng tiền bạc thì cái ngày rơi vào cảnh chết đói sẽ hiện hữu trước mắt. Điều đó cũng khó có thể trách được khi đứng trước tình hình kinh tế khó khăn chung không chỉ ở Việt Nam mà còn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Cái “giá trị” mà đại đa số người xem bóng đá họ nghĩ và thấy chỉ là những con số, những “thành tựu” mà họ khoe khoang với thiên hạ. Còn giá trị về tình yêu đích thực, niềm đam mê cháy bỏng với bóng đá ở Việt Nam xem ra vẫn còn là một điều gì đó còn rất xa xỉ. Với những người dùng bóng đá là công cụ phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì sẽ không thể nào sống bền. Chỉ những ai theo đuổi lâu dài, không quan tâm đến việc làm trong quãng thời gian bao lâu thì mới bền vững được.
Người Việt liệu có thật sự đam mê với bóng đá?
Câu hỏi được đặt ngay trên tiêu đề cũng là câu hỏi để đưa ra lời kết luận của admin Top Kiến Thức về vấn đề này. Câu trả lời được đưa ra chính là KHÔNG với những thông tin được người viết bài tìm hiểu nhiều nguồn tài liệu khác nhau, cũng như đã và đang được chứng kiến những gì diễn ra đúng với thực tế.
Ngoài những trải nghiệm thực tế, người viết bài này cũng có thêm một kết luận khác. Người Việt họ nói rằng chính họ yêu bóng đá “thật sự” nhưng điều đó chỉ có thể đúng trong trường hợp môn thể thao này vẫn mang lại lợi ích đến cho họ. Khi không còn mang đến lợi ích cho họ, bóng đá không còn là niềm đam mê với họ nữa.
Bạn đọc hãy đưa ra những lời bình luận văn minh, mang tính đóng góp, xây dựng để chúng tôi tiếp tục thực hiện những bài viết tiếp theo. Nếu bạn đọc thấy bài viết này hay và bổ ích, hãy CLICK VÀO ĐÂY để ủng hộ tôi bằng một ly cà phê nhé!
Trả lời